Bất động sản phải tự cứu mình thay vì trông đợi từ các cuộc giải cứu Ảnh: Như Ý
Bài báo đó đưa ra quan điểm của một chuyên gia kinh tế rằng, các doanh nghiệp bất động sản đã “ăn dày” quá và đến giờ họ phá sản đi thì nền kinh tế mới lành mạnh được; và không nên cứu gì cả.
Ông chủ doanh nghiệp đó nhờ chuyển cho vị chuyên gia hàng loạt câu hỏi, rằng có biết bao nhiêu người Việt Nam chưa có nhà; rằng bất động sản liên quan đến bao nhiêu ngành nghề, bao nhiêu việc làm; rằng bất động sản liên quan rất chặt chẽ đến vốn tín dụng ngân hàng mà nếu bất động sản đóng băng thì ngân hàng cũng khó sống; rằng sao lại coi doanh nghiệp bất động sản như là tội đồ khi họ xây các khu dân cư đẹp đẽ, khang trang cho xã hội. “Người ta cứ quy cho chúng tôi ăn hết địa tô, nhưng xin nói rõ, lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản liệu có thấm tháp gì so với lợi ích của xã hội khi có các tòa nhà, các khu đô thị hiện đại”, ông ấy nói một tràng dài với giọng rất cảm xúc.
Tôi biết công ty của ông ấy đang gặp khó khăn, như tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp bất động sản khác. Người ta phản ánh, đến nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải tinh giản tối đa bộ máy, cắt giảm lao động, có doanh nghiệp giảm đến trên dưới 50% nhân viên, tác động đến nhiều hộ gia đình, hoặc phải giảm lương của nhiều người lao động, công nhân xây lắp, nhân viên môi giới. Một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; đình hoãn thi công một số công trình; dừng triển khai các dự án mới; nhiều doanh nghiệp phải chuyển nhượng dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu đến 40-50% giá hợp đồng,… Có lẽ, không cần phải nói thêm nữa về bức tranh bất động sản.
Vướng mắc pháp lý của thị trường bất động sản
hiện nay là “vướng mắc lớn nhất. Ảnh: Hoàng Hà
Thị trường thì luôn có nhiều người chơi. Thị trường bất động sản lại càng có nhiều người chơi hơn nữa, trong đó Nhà nước rõ ràng là người chơi chính với vai trò tuyệt đối vì ở nước ta đất đai thuộc sở hữu toàn dân.